Việt Nam vừa đạt được một cột mốc quan trọng trên bản đồ trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu khi xếp hạng thứ 6 trong số 40 quốc gia, theo Bảng Chỉ số AI Thế giới 2025 do Mạng lưới Nghiên cứu Thị trường Độc lập Toàn cầu (WIN) công bố. Với 59,2 điểm trên thang điểm 100, Việt Nam đang khẳng định vị thế nổi bật của mình trong kỷ nguyên AI, vượt lên trên nhiều quốc gia phát triển.
Chỉ số AI của Việt Nam được xây dựng dựa trên mức độ nhận thức, sử dụng, tin tưởng và lo ngại của người dân về AI. Khảo sát tại Việt Nam được thực hiện bởi Indochina Research, với 900 người tham gia từ bốn thành phố lớn trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2024 đến tháng 1 năm 2025. Kết quả cho thấy, Việt Nam có một bộ phận dân cư đô thị năng động, cởi mở và tự tin với công nghệ mới. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 3 toàn cầu về mức độ tin tưởng vào AI (65,6 điểm) và thứ 5 về mức độ chấp nhận AI (71,6 điểm). Những con số này cho thấy sự quan tâm và cảm giác thoải mái của người dân đối với công nghệ này.

Chỉ số chung của Việt Nam được tính dựa trên trung bình của 7 chỉ số thành phần liên quan đến AI
Mặc dù thái độ cởi mở với AI là điểm sáng, tỷ lệ sử dụng thực tế của công nghệ vẫn còn khiêm tốn khi đạt 37,6 điểm và xếp thứ 17 trong tổng số quốc gia tham gia khảo sát. Khoảng 60% người dân tại các thành phố lớn đã từng sử dụng công nghệ AI, nhưng chỉ có 3% sử dụng hàng ngày, điều này phản ánh rằng AI vẫn chưa trở thành một phần quen thuộc trong đời sống hàng ngày.
Theo phân tích từ Indochina Research, nhóm người từ 18-34 tuổi, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, là lực lượng sử dụng AI tích cực nhất. Cụ thể, tỷ lệ người từ 18-24 tuổi đã từng sử dụng công nghệ AI tại Hà Nội đạt 89% và tại TP. Hồ Chí Minh là 87%. Ngược lại, tỷ lệ sử dụng AI tại Đà Nẵng và Cần Thơ thấp hơn đáng kể, cho thấy sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận công nghệ giữa các đô thị lớn và khu vực cấp hai, đặc biệt là ở nhóm tuổi cao hơn.
Mặc dù người dân Việt Nam thể hiện sự cởi mở với AI, song vẫn có những lo ngại đáng chú ý. 52% người được khảo sát bày tỏ lo lắng về quyền riêng tư dữ liệu, trong khi 48% lo ngại AI có thể thay thế con người trong công việc. Đặc biệt, nỗi lo về thông tin sai lệch không phải là mối quan tâm hàng đầu ở Việt Nam, với chỉ 36% người được hỏi bày tỏ lo ngại về vấn đề này.
Thứ hạng cao trên bảng chỉ số AI là minh chứng cho tiềm năng lớn của Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Để hiện thực hóa tiềm năng này, cần tập trung vào việc mở rộng khả năng tiếp cận AI đến các khu vực ngoài đô thị và nhóm dân số cao tuổi, đồng thời đẩy mạnh giáo dục và truyền thông để người dân hiểu rõ lợi ích của AI. Điều này sẽ giúp giảm bớt nỗi lo và gia tăng mức độ sử dụng công nghệ. Cuối cùng, việc xây dựng lòng tin thông qua các hệ thống AI minh bạch, an toàn và đáng tin cậy là rất cần thiết.
Nguồn: baochinhphu.vn